Lễ cúng giao thừa là một trong những phong tục tập quán của người dân Việt Nam. Tuy việc cúng giao thừa đơn giản, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, song mỗi người phải biết cách cúng sao cho đúng để không làm mất lòng Thần Phật. Hãy cùng linksopcast.com.vn tìm hiểu về cách làm trong bài cúng giao thừa nhé.

Thông thường mâm lễ cúng giao thừa bao gồm mâm lễ cúng trong nhà và mâm lễ cúng ngoài trời.

Cúng giao thừa cần lưu ý điều gì?

Mâm lễ cúng ngoài trời

Theo tục lệ cổ truyền thì Giao thừa được tổ chức nhằm đón các Thiên binh (12 vị Hành khiển). Lúc đó họ đi thị sát dưới hạ giới, rất vội không kịp vào tận bên trong nhà được, nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Hết một năm, vị Hành khiển (行遣) cũ đã cai quản Hạ giới trong năm cũ sẽ bàn giao công việc cho vị Hành khiển mới đi xuống sẽ cai quản Hạ giới trong năm mới. Mỗi năm có một vị, sau 12 năm thì các vị Hành khiển sẽ luân phiên trở lại. Mười hai vị Hành khiển và Phán quan gồm:

  • Năm Tý: Chu Vương Hành Khiển, Thiên Ôn Hành Binh chi Thần, Lý Tào Phán quan.
  • Năm Sửu: Triệu Vương Hành Khiển, Tam thập lục phương Hành Binh chi Thần, Khúc Tào Phán quan.
  • Năm Dần: Ngụy Vương Hành Khiển, Mộc Tinh chi Thần, Tiêu Tào Phán quan.
  • Năm Mão: Trịnh Vương Hành Khiển, Thạch Tinh chi Thần, Liêu Tào Phán quan.
  • Năm Thìn: Sở Vương Hành Khiển, Hỏa Tinh chi Thần, Biểu Tào Phán quan.
  • Năm Tỵ: Ngô Vương Hành Khiển, Thiên Hải chi Thần, Hứa Tào Phán quan.
  • Năm Ngọ: Tấn Vương Hành Khiển, Thiên Hao chi Thần, Nhân Tào Phán quan.
  • Năm Mùi: Tống Vương Hành Khiển, Ngũ Đạo chi Thần, Lâm Tào Phán quan.
  • Năm Thân: Tề Vương Hành Khiển, Ngũ Miếu chi Thần, Tống Tào Phán quan.
  • Năm Dậu: Lỗ Vương Hành Khiển, Ngũ Nhạc chi Thần, Cự Tào Phán quan.
  • Năm Tuất: Việt Vương Hành Khiển, Thiên Bá chi Thần, Thành Tào Phán quan.
  • Năm Hợi: Lưu Vương Hành Khiển, Ngũ Ôn chi Thần, Nguyễn Tào Phán quan.

Đối với mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời nên được đặt ở giữa sân, hướng đặt mâm lễ chỉ nên đặt hướng Bắc, hoặc hướng Đông tuỳ theo từng gia đình (hướng Bắc để cúng Thượng Đế, hướng Đông để cúng Thiên Tử là Vua).

Tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình có thể chuẩn bị một chiếc lọng màu vàng có diềm đỏ để che nắng che mưa. Ngoài ra chắc chắn phải có một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ, mặt bàn được trải tấm vải vàng sang trọng ngay ngắn.

Về mâm lễ, gồm mâm ngũ quả, hương, hoa, đèn nến, trầu cau, muối gạo, trà, rượu, quần áo và mũ nón mũ thần linh, mâm lễ mặn với thủ lợn luộc hoặc gà trống luộc, xôi, bánh chưng …. tất cả được bày lên mâm, đặt trên chiếc bàn vững chắc được chuẩn bị trước.

Mâm lễ cúng trong nhà

Thông thường, lễ cúng đêm giao thừa trong nhà được phân chia làm hai khu vực: Trên bàn thờ đặt mâm cỗ ngọt và chay (bao gồm hương, hoa, đèn nến; bánh kẹo; mứt Tết; rượu/bia…), phía bàn dưới bàn thờ đặt một mâm cỗ mặn tùy thuộc vào sự sắp xếp của gia đình (bao gồm con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm chiếc mũ của Ðại Vương hành khiển).

Người cúng giao thừ nên là người chủ trong gia đình, không vướng “ô uế” của bụi trần (như có tang hay có kinh nguyệt, đối với phụ nữ). Khi cúng lễ phải ăn mặc chỉnh tề, đứng nghiêm trước bàn thờ để làm lễ cúng.

Đối với lễ tại đền, chùa

Ở một số địa phương, vào đêm 30 Tết cũng mang mâm lễ đến đền, chùa để cúng lễ. Mâm lễ đến đền chùa không cần quá cầu kì và phụ thuộc vào kinh tế của gia chủ để chuẩn bị.

Sau khi cầu khấn, nhiều người xin lộc mang về cùng vài ba nén hương gọi là hương lộc đem cắm vào bát hương Táo quân ở nhà… Lửa đỏ ở mấy nén hương là lộc Phật Thánh ban với biểu tượng cho hồng vận, đem đến sự thịnh vượng.

Việc sắp xếp các bài cúng rất quan trọng, ngoài ra bạn nên tham khảo bài văn khấn giao thừa, văn khấn mùng 1 Tết.